BỆNH GLAUCOMA

Sau bệnh ung thư và tim mạch thì mù lòa là nỗi sợ hãi cho tất cả mọi người. Một khảo sát của trong cộng đồng ghi nhận chỉ 20% bệnh nhân biết rằng cườm nước là bệnh do tăng áp lực ở trong mắt; 50% người khảo sát nghe đến tên “bệnh cườm nước” nhưng không biết bệnh này là bệnh gì và 30% chưa bao giờ nghe đến “bệnh cườm nước.”

Bệnh glaucoma là gì?

Bệnh glaucoma, dân gian gọi là bệnh cườm nước hay bệnh thiên đầu thống, là một bệnh gây tổn hại thần kinh thị giác, làm giảm thị lực và có thể dẫn đến mù vĩnh viễn. Bệnh thường có liên quan đến tình trạng nhãn áp cao.

Theo các nghiên cứu mang tính dự báo trong khu vực và trên thế giới, uớc tính sẽ có 80 triệu người mắc bệnh glaucoma vào năm 2020, chiếm tỷ lệ 2,86% trên quần thể dân số trên 40 tuổi.

Các nước Đông Nam Á vào năm 2010 có khoảng 4,2 triệu người bệnh glaucoma, và quần thể dân số trên 40 tuổi bị glaucoma chiếm tỷ lệ khoảng 2,38% (gần 2 triệu người). Vào năm 2020 số lượng này sẽ tăng lên khoảng 6 triệu người (theo điều tra của Quigley và Broman).

Tại Việt Nam qua điều tra RAAB (Rapid Assessment of Avoidable Blindnes) năm 2007, tỷ lệ mù hai mắt do glaucoma ở người > 50 tuổi chiếm 6,5%, đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù ở Việt Nam. Việt Nam hiện nay có khoảng 24.800 người mù do glaucoma. Trong các nguyên nhân gây mù 2 mắt, bệnh glaucoma đứng vị trí thứ 3 (chiếm 4%) sau bệnh đục thể thủy tinh (7,4%) và các bệnh bán phần sau (6,3%). Tuy nhiên, thống kê cho thấy nhiều người Việt Nam vẫn còn chưa biết gì về căn bệnh này.

Phân loại glaucoma

♦ Glaucoma góc mở: Bệnh thường không có triệu chứng, tiến triển âm thầm, từ từ và nặng dần theo tuổi tác. Đa phần các trường hợp phát hiện khi bệnh đã sang giai đoạn nặng với nhiều tổn thương.

♦ Glaucoma góc đóng: Ở loại này thủy dịch không thể đến hệ thống thoát dịch, nên bị ứ đọng, khiến nhãn áp tăng rất cao và gây tổn thương chỉ trong một thời gian ngắn. Đa phần các trường hợp không có dấu hiệu báo trước, mà đột ngột xuất hiện với các biểu hiện rầm rộ như: đau nhức mắt dữ dội, cơn đau có thể lan lên nửa đầu cùng bên, mắt đỏ, thấy cầu vồng xung quanh đen trắng, giảm thị lực trầm trọng, buồn nôn….và thường phải cấp cứu.

Làm sao để biết mình có bị glaucoma hay không?

♦ Thường xuyên đi kiểm tra mắt định kỳ để phát hiện sớm khi chưa có triệu chứng.

♦ Khi có triệu chứng nghi ngờ như nhức đầu, đau nhức mắt, nhìn mờ, tầm nhìn bị hạn chế thì bệnh nhân nên đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh nhân sẽ được chẩn đoán bệnh glaucoma sau khi được bác sỹ thăm khám, hỏi tiền sử bệnh của bản thân cũng như gia đình, và thực hiện các xét nghiệm sau:

• Đo nhãn áp để biết được áp lực ở trong mắt.

• Đo độ dày giác mạc.

• Soi góc tiền phòng.

• Soi đáy mắt.

• Đo thị trường.

• OCT gai thị

• ….

Bệnh glaucoma: kẻ cắp ánh sáng thầm lặng

Phần đông các bệnh nhân bị glaucoma không có triệu chứng nào báo động. Bệnh glaucoma có rất nhiều loại – bệnh glaucoma thông thường nhất là bệnh glaucoma góc mở. Với bệnh này, áp lực trong mắt của bệnh glaucoma góc mở tăng lên từ từ; cho nên bệnh nhân thường không bị đau đớn gì cả và không có triệu chứng. Tầm nhìn của bệnh nhân mất từ từ ở chung quanh, nhìn mờ dần và cuối cùng là mù hoàn toàn.

Không giống như glaucoma góc mở, những bệnh nhân bị glaucoma góc đóng có áp lực trong mắt tăng lên rất cao đột ngột làm cho mắt đau nhức, nhìn mờ, đau đầu, buồn nôn. Tuy nhiên, bệnh glaucoma góc đóng cũng có thể biểu hiện âm thầm (glaucoma góc đóng mãn tính) làm bệnh nhân không để ý; cuối cùng tổn hại thần kinh mắt.

Thông thường là do bệnh không được phát hiện sớm, bệnh nhân lầm tưởng với cườm khô (đục thủy tinh thể), lão thị. Do tầm nhìn bị thu hẹp từ từ nên bệnh nhân không biết; sau khi phẫu thuật bệnh nhân không đi tái khám; bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị; do thất bại trong điều trị, đến giai đoạn cuối teo toàn bộ thần kinh trong mắt và dẫn đến mất dần thị lực.

Yếu tố nguy cơ của bệnh

♦ Người trên 40 tuổi

♦ Nhãn áp cao

♦ Có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị glaucoma.

♦ Cận thị hoặc viễn thị nặng

♦ Tiền sử dùng corticoid kéo dài

♦ Đang bị đái tháo đường, tăng huyết áp. 

Điều trị bệnh glaucoma như thế nào?

Những tổn thương của bệnh glaucoma là không hồi phục. Do đó, chẩn đoán và điều trị sớm là chìa khóa để ngăn chặn các tiến triển xấu của bệnh và giúp bệnh nhân bảo toàn thị lực của mình.

Tùy theo giai đoạn và độ nặng của bệnh mà bác sỹ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với bệnh nhân. Glaucoma có thể được điều trị bằng

♦ Thuốc: thuốc nhỏ mắt là lựa chọn đầu tiên để điều trị glaucoma. Thuốc nhỏ mắt thường phải sử dụng kéo dài (hàng tháng đến hàng năm).

♦ Laser

♦ Phẫu thuật