BỆNH MẮT LÉ ( LÁC MẮT)

BỆNH MẮT LÉ (LÁC MẮT)

Lé mắt (lác mắt – Strabismus) có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đây là tình trạng hai mắt không thẳng hàng, nói cách khác là một mắt nhìn thẳng một mắt nhìn lệch đi. Không chỉ là về vấn đề thẩm mỹ mà lác mắt còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thị lực của trẻ em nhưng phát hiện và điều trị sớm có thể xử lý được vấn đề này.

LÁC MẮT LÀ GÌ?

Lác (lé) mắt là bệnh lý do rối loạn lệch trục nhìn của mắt, thông thường kèm theo các rối loạn thị giác hai mắt. Hiện nay lác mắt là bệnh khá phổ biến tại Việt Nam, được chia thành 2 loại chính: lác đồng hành thường gặp ở trẻ em, tỉ lệ khoảng 5 – 7%, loại còn lại gọi là lác liệt thường hay xảy ra ở người lớn.

NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN TÌNH TRẠNG LÁC MẮT

Mắt di chuyển được nhờ 6 loại cơ hoạt động thống nhất với nhau, tuy nhiên khi gặp tình trạng lác, các cơ sẽ hoạt động không đồng nhất.

Những nguyên nhân thường gặp ở lác trẻ em như:

  • Nhiễm virus Rubella từ mẹ lúc mang thai.
  • Trẻ bị những căn bệnh về não hoặc bị khiếm khuyết các nhiễm sắc thể như sai lệch về nhiễm sắc thể số 18.
  • Trẻ bị chấn thương não.
  • Những nguyên nhân liên quan đến mắt như ung thư viêm màng võng mạc, đục thủy tinh thể, mắc tật khúc xạ (cận thị, viễn thị) nặng …

Nguyên nhân lác mắt ở người lớn:

  • Một số bệnh lý: tiểu đường, cườm giáp …
  • Tình trạng ngộ độc như ngộ độc thực phẩm, hải sản …
  • Những chấn thương gây tổn thương não, chấn thương tại mắt hoặc bất kỳ nguyên nhân gây nên giảm thị lực đều có khả năng dẫn đến tình trạng lác (lé).

TRIỆU CHỨNG, DẤU HIỆU NHẬN BIẾT TÌNH TRẠNG LÁC (LÉ) MẮT

Những tình trạng như lác trong, lác ngoài, lác trên, lác dưới nếu rõ sẽ dễ nhận dạng ở trẻ hoặc người lớn. Tuy nhiên có một số trường hợp lác rất khó nhận biết hoặc trong trường hợp trẻ không có nhưng nhìn lại lầm tưởng là bị lác mắt. Vì thế để nhận biết chính xác lác ở trẻ em tương đối khó khăn, cần phối hợp nhiều biện pháp đo khám kĩ lưỡng từ những bác sĩ chuyên khoa mắt.

Kham-mat-dinh-ky-voi-bac-si-chuyen-khoa

Do đó lời khuyên hữu ích đối với cha mẹ là khi chúng ta thấy có bất kì dấu hiệu nào nghi ngờ bé có biểu hiện về thị lực (hay nhìn nghiêng đầu, chớp mắt, nheo mắt, nhìn nghiêng, nhìn xéo, đi hay vấp té …) nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế có các dụng cụ chuyên khoa để được thăm khám kĩ hơn, phát hiện sớm trẻ có bị lác mắt hay không. Đối với cả những trẻ bình thường, có cảm giác như không bị lác các bác sĩ vẫn khuyên từ 3 tuổi trở lên nên đến khám tại các cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa mắt để khám và kiểm tra.